Bài 121: Mẻ cá lạ lùng và tình yêu của Thánh Phêrô | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

Bài 121: Mẻ cá lạ lùng và tình yêu của Thánh Phêrô | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

Bài 121: Mẻ cá lạ lùng và tình yêu của Thánh Phêrô | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

TGPSG -- Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa không.” 6 Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

15Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy”.

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật III Phục Sinh chúng ta vừa nghe công bố thuộc về phần “phụ trương”, tức là chương 21 của Tin Mừng theo thánh Gio-an. Sở dĩ gọi là “phụ trương” vì ở cuối chương 20 đã có lời kết thứ nhất rằng :  Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31).

Trong lời kết trên, tác giả nói đến mục đích của sách Tin Mừng Gio-an là nhằm giúp các độc giả tin vào Đức Giê-su với hai tư cách : a/ Đấng Mê-si-a đến thực hiện công trình cứu độ với tư cách là Ngôn Sứ, Tư Tế và Quân Vương ; b/ Đấng Mê-si-a là Con Thiên Chúa đến trần gian từ Chúa Cha, và có một tương quan mật thiết với Người.

Chương 21 của Tin Mừng Gio-an được gọi là “phụ trương” nhưng rất ý nghĩa. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về “mẻ lưới lạ lùng và tình yêu của thánh Phê-rô” trong phần phụ trương này. Điều đáng ngạc nhiên là thánh Lu-ca cũng kể câu chuyện về một mẻ lưới tương tự, nhưng không phải sau biến cố phục sinh mà là khi Đức Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên (x. Lc 5,1-8).

Về nơi chốn, cũng là Biển Hồ Ga-li-lê hay còn gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a (x. Ga 6,1) nhưng Lu-ca gọi theo một tên khác là hồ Ghen-nê-xa-rét. Sự kiện kể lại trong hai Tin Mừng là một mẻ lưới lạ lùng sau một đêm các người đánh cá “chuyên nghiệp” không bắt được gì cả, và đến sáng Chúa Giê-su xuất hiện chỉ cho các ông phải thả lưới như thế nào, các ông làm theo và được một mẻ lưới đầy ắp cá. Một khuôn mặt khá quen thuộc trong cả hai trình thuật, đó là ông Si-môn Phê-rô, mà cuộc đối thoại chỉ có giữa Chúa Giê-su và ông thôi. Tuy nhiên, câu chuyện Tin Mừng Gio-an kể có những khác biệt đầy ý nghĩa.

Thánh Lu-ca đặt câu chuyện này trong thời gian Chúa Giê-su bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng và sau mẻ lưới lạ lùng, bốn môn đệ đầu tiên đã đi theo Người (x. Lc 5,10-11). Theo truyền thống của Giáo Hội và các nhà chú giải Kinh Thánh thì Tin Mừng Lu-ca soạn thảo trước (70-80), còn Tin Mừng Gio-an mãi đến cuối thế kỷ thứ I (90-100) mới xuất hiện. Như vậy có thể là cùng một phép lạ, nhưng thánh Gio-an đã đặt biến cố này sau khi Chúa Phục Sinh với ý hướng thần học của ngài. Các nhà chú giải nêu thắc mắc là sau biến cố Chúa Phục Sinh, các môn đệ còn ở Giê-ru-sa-lem, tụ họp trong nhà đóng kín cửa vì sợ người Do-thái (x. Ga 20,19), vậy sao hôm nay các ông lại có thể dễ dàng trở lại Ga-li-lê với công việc thường ngày trước kia ? Vậy chủ đích của thánh Gio-an là gì khi viết trình thuật này ? Chúng ta sẽ phân tích những chi tiết trong trình thuật để nhận ra bài học mà thánh Gio-an muốn gửi đến độc giả của mình.

1. Mẻ cá lạ lùng với các biểu tượng

Dẫn vào câu chuyện, tác giả báo cho độc giả biết,  một lần nữa Chúa Giê-su tỏ mình cho các môn đệ (c. 1). Động từ pha-ne-ro-ô (φανερόω) xuất hiện 2 lần ở chương này (Ga 21,1.14) có nghĩa là tỏ mình ra. Động từ này còn được dùng để chỉ việc Đức Giê-su được tỏ ra cho dân Ít-ra-en (x.1,31) ; hoặc chính Chúa “bày tỏ vinh quang của Người ” (x. 2,11) ; hoặc qua Chúa Giê-su “công trình của Thiên Chúa hoặc Danh Thiên Chúa được tỏ hiện ” (9,3 ; 17,6),v.v… (để hiểu hơn về kiểu nói này có thể xem lại bài 10 “Sự hiện ra của Chúa Giê-su ; 4/2023 https ://www.youtube.com/watch ?v=4lUCXTbzVZQ ).

Nhóm môn đệ trong câu chuyện chỉ có bảy người, Si-mon Phê-rô vẫn đứng đầu danh sách và cũng chính ông có sáng kiến “đi đánh cá” và mọi người đều hưởng ứng (c.3). Rồi họ ra đi, nhưng cả đêm ấy không bắt được con cá nào. Chỉ vài câu ngắn ngủi nhưng cho thấy vai trò nổi bật của ông Phê-rô như người lãnh đạo, có sáng kiến “đi đánh cá !”, biểu tượng cho sự kiện Phê-rô trở thành “ngư phủ đánh bắt người” (Lc 5,10). Một số nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng con số ‘7 môn đệ’ gợi lên một cộng đồng mới trong công trình sáng tạo mới. Chúa Phục Sinh chính là Đấng bị đâm thâu để máu và nước từ cạnh sườn chảy ra từ trên thập giá mà khai sinh ra cộng đồng mới ấy (x. Ga 19,25-34).

Vất vả suốt đêm, các ông không bắt được con cá nào, cho đến sáng thì Chúa Giê-su đã đứng trên bờ lên tiếng hỏi, nhưng họ không nhận ra Chúa. Tuy vậy, khi nghe Chúa bảo thả lưới bên phải mạn thuyền thì họ làm theo và kết quả thật bất ngờ : “lưới đầy cá, có tới 153 con, mà không bị rách” (x. Ga 21,6.11). Khác với Tin mừng Lc 5,6 : “Họ bắt được đầy những cá, đến rách cả lưới ”.

Lu-ca và Gio-an diễn tả khác nhau vì cách dùng từ khác nhau. Lu-ca dùng động từ di-ar-rên-nu-ô (διαρρηγνύω) có nghĩa là bị rách ra, xé toạc ra. Còn Gio-an thì dùng động từ skhi-zô (σχίζω) có nghĩa là xé ra, chẻ ra, rách ra và có nghĩa bóng là gây chia rẽ (x. Ga 21,11c). Đối với Gio-an, có thể trình thuật này mang tính tượng trưng : các môn đệ cứ theo lời Đức Giê-su mà thả lưới và kết quả quá lớn mà lưới không bị rách (σχίζω). Phải chăng điều này có nghĩa là từ mọi nơi, các môn đệ quy tụ các tín hữu về một cộng đoàn duy nhất mà không có tình trạng chia rẽ, phân ly?

Và số 153 con cá bắt được có thể giải thích như sau :

a. Đó là tổng số do các số từ 1 đến 17 cộng lại : 1+2=3 ; 3+3=6 ; 6+4=10... 120+16=136 ; 136+17=153 ; và thánh giáo phụ Âu-tinh suy luận rằng 17 = 10 + 7 : tức là 10 điều răn và 7 ơn Chúa Thánh Thần, đó là sự trọn vẹn của lề luật và ân sủng. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều cách giải thích của các giáo phụ và các nhà chú giải Kinh Thánh. Vì sẽ có lối giải thích như sau :

b. Vào thời điểm đó, theo các nhà vạn vật học Hy-lạp, có 153 loại cá ; và điều đó có nghĩa biểu tượng rằng “lưới” của các Tông Đồ sẽ quy tụ tất cả gia đình nhân loại trong một Hội Thánh duy nhất. Hay nói cách khác, ơn cứu độ được ban tặng cho hết thảy mọi người trên thế gian không loại trừ ai, miễn là người đó không khước từ, không rời bỏ tấm lưới Hội Thánh. Tuy nhiên, theo Raymond E. Brown, một học giả Kinh Thánh Công Giáo, con số 153 vẫn là một bí ẩn gây tranh cãi : đó là một ẩn dụ hay con số mang tính “thần số học của Do-thái” (như số 3, 7, 12, 18 v.v..), hay biểu tượng mang tính toán học? Độc giả có quyền lựa chọn…

Trước mẻ lưới lạ lùng của ông Phê-rô và nhóm môn đệ, “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến” đã nhận ra Người. Môn đệ này chắc chắn là một trong những môn đệ không được nêu tên trong danh sách ở đầu chương (x. 21,2). Ông là người đã đến mộ Chúa trước, tuy bước vào mộ sau, nhưng “ông đã thấy và đã tin” (20,8) và ông nói với Phê-rô : “Chúa đó !”. Vừa nghe vậy Phê-rô lập tức khoác áo vào và lội nhanh vào bờ (x. 21,7).

2. Tình yêu của Phê-rô

Các môn đệ khác lần lượt lên bờ theo sau ông Phê-rô. Điều đầu tiên các ông nhìn thấy là ‘than hồng’, có cá để trên đó và cả bánh nữa (x. Ga 21,9). “Than hồng” trong tiếng Hy-lạp là an-thra-ki-a (ἀνθρακιά) rất có ý nghĩa. Tác giả đã dùng từ này, để ông Phê-rô nhớ lại cái đêm Thầy Giê-su đang bị thượng tế Kha-nan tra hỏi, thì ở ngoài sân, ông đứng sưởi bên đống “than hồng” với đám đầy tớ của thượng tế và ông đã ba lần chối Thầy (x. Ga 18,18.25). Trong Tân Ước, từ ‘than hồng’ an-thra-ki-a chỉ gặp ở hai lần này mà thôi trong Tin Mừng thánh Gio-an.

Tiếp theo là bữa ăn Chúa Giê-su đã dọn sẵn cho các môn đệ và Người truyền cho họ ăn (c.12). Cách thức  Chúa Giê-su khi cầm bánh và cá trao cho các môn đệ ở câu 13, gợi lại cách thức giống hệt như vậy ở Ga 6,11 trong phép lạ hóa bánh ra nhiều. Điều này gợi ý về tiệc Thánh Thể mà các tông đồ sẽ thực hiện và truyền lại cho Hội Thánh tiếp tục cử hành qua muôn thế hệ.

Sau bữa ăn, Chúa hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” (Ga 21,15). Chúa Giê-su hỏi Si-môn Phê-rô ba lần với cùng một câu hỏi và sau khi ông trả lời, thì Người ra một lệnh truyền cho ông là chăm sóc đoàn chiên của Người. Trong 3 lệnh truyền này có hai từ được sử dụng với khác biệt đôi chút :

a- βόσκω (bos-kô) ở câu 15c và c. 17c : có nghĩa là chăm sóc, nuôi dưỡng, cho ăn, mang tính chất chăm sóc về thể chất nhiều hơn (x. St 29,7 ; 37,12 ; Ed 34,3 ; Mt 8,33 ; Lc 15,15).

b- ποιμαίνω (poi-mai-nô) ở câu 16c : có nghĩa chăn dắt, dẫn dắt, trông nom - không chỉ về mặt thể chất mà còn mang tính lãnh đạo, hướng dẫn và bảo vệ (x. Is 40,11 ; Tv 47,15 ; Mt 2,6 ; Cv 20,28…).

L‎‎ý do khiến Chúa Giê-su đòi hỏi thánh Phê-rô ba lần tuyên xưng tình yêu đối với Chúa, chúng ta vẫn nghĩ rằng vì trước đó ông đã chối Thầy ba lần. Tuy nhiên cần thấy rõ là tuy yếu đuối và chao đảo, nhưng thánh Phê-rô lại là người gần gũi và gắn bó với Chúa Giê-su trong suốt cuộc đời rao giảng của Người (x. Ga 1,40-42 ; 6,67-69 ;13,6-10.36-38 ; 18,15). Khi được hỏi đến lần thứ ba, câu trả lời của thánh Phê-rô có vẻ ngượng ngùng nhưng rất trung thực. Động từ lu-pe-ô (λυπέω) diễn tả tâm trạng của Phê-rô là buồn, vì như thể Thầy đã không tin mình, từ này cũng hàm chứa sự ngượng ngùng. Nhưng ông đáp lại với một lòng tin mạnh mẽ rằng :“Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy !” (Ga 21,17)

Qua ba lần tuyên xưng tình yêu của Phê-rô dành cho Chúa Giê-su, như một thử thách để ông trở thành một mục tử theo chân Thầy, qua lời mời gọi : Hãy theo Thầy ἀκολούθει μοι (Ga 21,19). Chúa Giê-su đã mời gọi Phê-rô sau câu nói ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào :Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,18).

Kiểu nhấn mạnh khi đặt ở đầu câu hai từ liền nhau A-men, A-men (Ἀμὴν ἀμὴν) = thật, thật hay quả thật, quả thật chỉ có trong Tin Mừng thánh Gio-an mà thôi (x. Ga 1,51 ; 3,3.5.11…21,18 tổng cộng là 25 lần). Đó là những lời tâm huyết cuối cùng của Chúa hàm ý nhắc Phê-rô về một thời đã “tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý”, sống theo ý muốn và cảm thức của riêng mình đến độ có thể cản trở và phản bội Thầy. Nhưng thời ấy đã qua rồi, những ngày sắp tới, ông phải lãnh sứ mạng chăn dắt đàn chiên của Thầy Giê-su, Vị Mục Tử Tốt Lành (x. Ga 10,11), ông phải hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên như Thầy, nên ông “sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn đến nơi ông chẳng muốn” (x. Ga 21,18b).

Kết luận

Nếu liên kết hai trình thuật về mẻ lưới lạ lùng của Lu-ca với Gio-an, chúng ta thấy nổi bật khuôn mặt của tông đồ Phê-rô. Cũng một không gian là bờ hồ Ga-li-lê, nơi Phê-rô từng nghe tiếng gọi đầu tiên “Hãy theo Thầy”, giờ đây ông lại đối diện với ánh mắt yêu thương của Chúa Giê-su - nhưng lần này là sau những vấp ngã và đêm tối thập giá.

Khi hai lần Chúa hỏi : “Con có yêu mến Thầy không ?” bằng động từ a-ga-pa-ô ἀγαπάω, Chúa Giê-su đang mời gọi Phê-rô bước vào một tình yêu lớn lao, toàn hiến và không điều kiện. Nhưng Phê-rô, mang trong mình sự ngượng ngùng vì biết mình yếu đuối, chỉ dám đáp bằng lại bằng động từ phi-le-ô φιλέω, đây cũng là một tình yêu thân thiết, chân thành, nhưng còn giới hạn và yếu đuối. Lần thứ ba, Chúa Giê-su dùng chính động từ φιλέω, như để tỏ ra sự cảm thông và chấp nhận một tình yêu chưa hoàn hảo, nhưng lại là tình yêu chân thật. Phê-rô đã yêu mến Thầy Giê-su bằng một tình yêu rất chân thành dù biết mình yếu đuối mong manh. Thế nên Chúa Giê-su đã trao lại cho ông sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Người. Bài học của môn đệ Phê-rô cũng là bài học dành cho tất cả chúng ta, những người môn đệ.

Hãy yêu mến Chúa với tất cả sự yếu đuối mong manh, nhưng với tất cả tấm lòng chân thành của chúng ta./.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top